Chuyện Moses và cái khó của bóng đá Việt
ScoresWay.net(ScoresWay.net) - Có nhiều thông tin cho rằng V-League đang đứng trước nguy cơ mất đi một trong những tiền vệ trung tâm hàng đầu giải đấu này trong thời gian sắp tới.

CLB Nga FC Kuban đang quan tâm tới tiền vệ Moses Oloya (trái) của Becamex Bình Dương. Ảnh: Quang Thịnh.
Người hâm mộ bóng đá Bình Dương đang truyền nhau thông tin rằng một CLB của Nga là FC Kuban đang nhắm mua Moses Oloya với giá 400.000 USD, nếu điều này thành hiện thực, đó không những là tin không vui với Becamex Bình Dương mà còn của cả V-League, vì thực tế thì Moses là cầu thủ rất đáng xem và V-League sẽ phần nào giảm đi tính hấp dẫn nếu thiếu đi những cầu thủ như thế.
Nhưng nếu Moses có muốn ra đi, thậm chí dùng những biện pháp như “đình công” để ra đi thì cũng không ai trách anh được, cầu thủ chưa đến tuổi 24 này còn nhiều tiềm năng để phát triển và anh xứng đáng được tới một nền bóng đá phát triển hơn.
Qua việc này, cái khó của nền bóng đá nước nhà lại một lần nữa bộc lộ. Đó không hẳn là chuyện tiền bạc, vì chắc chắn Becamex Bình Dương không thiếu tiền để chăm lo cho tài năng quý giá của mình, chưa chắc rằng mức đãi ngộ mà Moses nhận ở đất Thủ nhỏ hơn so với bên Nga, nhưng anh vẫn muốn ra đi. Trước đây Lee Nguyễn cũng là một trường hợp như thế, anh đã từng nói ở HAGL anh như một ông hoàng, và ngay cả bây giờ cũng có những CLB sẵn sàng chi ra số tiền lớn hơn mức lương ở Mỹ của Lee Nguyễn để mời anh về, nhưng họ nhận được chỉ là cái lắc đầu.
Cái khó của bóng đá nước ta chính là môi trường thi đấu. Sự chuyên nghiệp vẫn còn chưa đâu vào đâu. Gaston Merlo của SHB Đà Nẵng từng nói thẳng rằng giải hạng ba Argentina còn chuyên nghiệp hơn V-League dù họ không nhiều tiển bằng. Những sự cố trọng tài vẫn thường xảy ra, ban tổ chức giải vẫn hay bị phản ứng, các CLB thiếu nhiều tính chiến thuật và không đa dạng lối chơi, cầu thủ thì nhiều người vẫn còn mang tư tưởng triệt hạ mỗi khi vào bóng, những vụ lùm xùm bóng đá tình cảm, “3 đi 3 về” vẫn chưa có dấu hiệu ngưng,...

Bóng đá Việt Nam vẫn chưa xứng với chữ chuyên nghiệp. Ảnh: Quang Thịnh.
Những điều như vậy khiến giải đấu của chúng ta kém dần đi sức hút, từ khán giả, nhà tài trợ, cho đến các cầu thủ nước ngoài cũng dần dần ngó lơ. Có đáng lo ngại không khi ba tài năng trẻ ra nước ngoài toàn ngồi dự bị nhưng một bộ phận khán giả vẫn kêu gọi “thà dự bị chứ đừng về nước”?
Rõ ràng có những thứ không phải dồn tiền nhiều vào là có được, quan trọng là phải tạo ra một môi trường thi đấu, làm việc hiệu quá, chuyên nghiệp, tôn trọng luật lệ và có tính bền vững. Nếu làm được như vậy, mới mong có lúc bóng đá nước nhà đi lên.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)