Đội hình hay nhất Ngoại hạng Anh 2024/25: Cunha góp mặt; Arsenal - Liverpool chiếm sóng
ScoresWay.netTừ những màn trình diễn xuất sắc xuyên suốt mùa giải Ngoại hạng Anh 2024/25, Opta đã công bố đội hình tiêu biểu gồm 11 cái tên thi đấu vượt trội so với phần còn lại ở vị trí của họ.

Thủ môn: Matz Sels (Nottingham Forest)
Dù không được đánh giá cao về khả năng chơi chân trong thời đại “sweeper keeper”, nhưng Matz Sels đã chứng minh vai trò người gác đền cổ điển vẫn còn đất diễn. Anh cùng David Raya là hai thủ môn giữ sạch lưới nhiều nhất mùa này (13 trận).
Không chỉ dừng lại ở thành tích phòng ngự tập thể, Sels còn nằm trong top 5 thủ môn có tỷ lệ cản phá cao nhất giải (72,6%) và đứng thứ tư về số bàn thua ngăn chặn được so với kỳ vọng từ các cú dứt điểm đối phương (4,3 bàn theo mô hình xGOT).
Với 120 pha cứu thua, anh góp công lớn giúp Nottingham Forest bất ngờ cán đích ở vị trí thứ 7.
Hậu vệ phải: Trent Alexander-Arnold (Liverpool)
Mùa giải 2024/25 có thể là chương cuối trong hành trình của Alexander-Arnold tại Liverpool khi anh nhiều khả năng sẽ gia nhập Real Madrid. Tuy nhiên, hậu vệ phải này vẫn để lại dấu ấn đậm nét trong chiến dịch vô địch thứ hai của Liverpool ở kỷ nguyên Ngoại hạng Anh.
Anh dẫn đầu các hậu vệ về số lần tham gia vào chuỗi tấn công kết thúc bằng cú sút trong thế trận mở (6,2 lần mỗi 90 phút), sở hữu 6 kiến tạo và 9 lần góp dấu giày vào bàn thắng – những con số không hậu vệ cánh phải nào vượt qua. Khả năng sáng tạo, đặc biệt từ các quả tạt, vẫn là thứ vũ khí khó lường nơi Arnold.
Trung vệ: William Saliba (Arsenal)
Saliba tiếp tục khẳng định vị thế là trung vệ hàng đầu nước Anh khi cùng Arsenal giữ hàng phòng ngự chắc chắn nhất mùa giải. Anh có mặt trong 35 trận, góp phần quan trọng giúp Arsenal nhận ít bàn thua nhất toàn giải.
Về mặt phòng ngự cá nhân, Saliba đứng thứ ba về số pha tắc bóng (62), thứ hai về số lần thu hồi bóng (154), và nằm trong top 10 trung vệ về tỷ lệ thắng tranh chấp (64,1%). Anh cũng đạt tỷ lệ chuyền chính xác cao nhất trong số các trung vệ (94,5%), đồng thời có 260 pha rê bóng tiến về phía trước – thể hiện khả năng dẫn bóng tốt từ tuyến dưới.
Trung vệ: Virgil van Dijk (Liverpool)
Thủ lĩnh tinh thần và chuyên môn của Liverpool, Van Dijk trở thành cầu thủ Hà Lan đầu tiên đeo băng đội trưởng một đội vô địch Ngoại hạng Anh. Với tỷ lệ tranh chấp thành công 68,7%, anh chỉ xếp sau Nikola Milenkovic, và đứng nhì toàn giải về tranh chấp bóng bổng (72,1%).
Không chỉ giỏi phòng ngự, Van Dijk còn là điểm phát động tấn công với số đường chuyền nhiều nhất giải (2.921), trong đó có tới 975 đường chuyền hướng lên trên – cao nhất giải đấu. Anh cũng có 294 đường chuyền thành công vào 1/3 sân đối thủ, hơn người xếp sau tới 35 lần.

Hậu vệ trái: Josko Gvardiol (Manchester City)
Không nổi bật về khả năng sáng tạo như Alexander-Arnold, nhưng Gvardiol lại cho thấy sự đa năng và hiệu quả trong cách triển khai bóng. Anh có 730 lần dẫn bóng và 403 lần đưa bóng tiến lên phía trước – chỉ xếp sau Jan Paul van Hecke.
Điểm đáng chú ý là Gvardiol tung ra tới 40 cú sút và có mặt trong vòng cấm đối phương 104 lần – chỉ thua mỗi Munoz. Với 5 bàn thắng, anh là hậu vệ ghi bàn nhiều nhất mùa này.
Tiền vệ trung tâm: Ryan Gravenberch (Liverpool)
Được Arne Slot kéo lùi về đá thấp hơn ở vị trí số 6, Gravenberch “lột xác” thành chìa khóa nơi tuyến giữa Liverpool. Anh là cầu thủ có nhiều pha thu hồi bóng cao nhất đội (193 lần) và nhiều lần cắt bóng nhất top 3 giải đấu (60 lần).
Không chỉ phòng ngự tốt, Gravenberch còn dẫn đầu Liverpool về số tình huống pressing cao tạo ra pha dứt điểm (8) và là người gây ra nhiều pha mất bóng của đối phương nhất khi pressing (44 lần).
Tiền vệ trung tâm: Declan Rice (Arsenal)
Dù Arsenal thêm một mùa trắng tay, Declan Rice vẫn cho thấy giá trị xứng đáng với mức phí 100 triệu bảng. Anh tạo ra 59 cơ hội và dẫn đầu Ngoại hạng Anh về số bàn thắng kỳ vọng từ tình huống cố định (3,3 xG), nhờ khả năng đá phạt và phạt góc chuẩn xác.
Rice cũng là trụ cột trong khâu phòng ngự, dẫn đầu Arsenal về số lần thu hồi bóng mỗi 90 phút (4,9), đồng thời chạy nhiều thứ hai toàn đội (11,1 km/trận).

Tiền đạo phải: Bryan Mbeumo (Brentford)
Với 20 bàn và 7 kiến tạo, Mbeumo là điểm sáng lớn nhất trong mùa giải của Brentford. Anh là người chạy nhiều nhất giải đấu không có bóng (1.037 lần), đứng thứ ba về số pha nước rút và là người chạy nhanh không bóng nhiều nhất giải (389 lần).
Ngoài tốc độ và sự bền bỉ, Mbeumo cũng rất bén duyên trước khung thành, giúp Brentford kết thúc trong top 10 lần thứ hai trong lịch sử.
Tiền đạo trái: Matheus Cunha (Wolves)
Dù Wolves chỉ về đích thứ 16, Matheus Cunha vẫn tạo được dấu ấn cá nhân rõ nét. Với 15 bàn và 6 kiến tạo, anh là nguồn cảm hứng duy nhất của đội bóng trong nhiều thời điểm khó khăn.
Cunha dẫn đầu Ngoại hạng Anh về số bàn thắng ngoài vòng cấm (5, ngang với Bruno Fernandes), hoàn thành 61 pha rê bóng thành công và là một trong những cầu thủ bị phạm lỗi nhiều nhất (71 lần). Anh còn nằm trong top 3 cầu thủ sút nhiều nhất từ tình huống phản công.
Tiền đạo cắm: Mohamed Salah (Liverpool)
Không ai xứng đáng hơn Mohamed Salah cho danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất mùa. Với 29 bàn và 18 kiến tạo, anh lập kỷ lục mới về số lần tham gia bàn thắng trong một mùa 38 vòng (47), cân bằng kỷ lục mọi thời đại của Shearer và Andy Cole.
Salah là cầu thủ đầu tiên vừa ghi bàn vừa kiến tạo trong 11 trận khác nhau – phá vỡ kỷ lục cũ là 7. Dù có chững lại cuối mùa, phong độ rực cháy đầu mùa đủ giúp anh giành mọi giải thưởng cá nhân và đưa Liverpool tới đỉnh vinh quang.
Tiền đạo cắm: Alexander Isak (Newcastle)

Nhờ 23 bàn, trong đó 19 không từ chấm phạt đền, Isak là nhân tố chủ lực giúp Newcastle trở lại Champions League. Anh có chuỗi ghi bàn ấn tượng trong 8 trận liên tiếp và góp công lớn vào chuỗi 6 chiến thắng liền mạch của đội bóng vùng Đông Bắc.
Không chỉ ghi bàn, Isak cũng nằm trong top 3 cầu thủ gây áp lực dẫn tới mất bóng đối thủ nhiều nhất. Anh có 440 lần pressing ở 1/3 sân đối phương và 100 lần dẫn đến tình huống mất bóng.