Inter, Milan dẹp ultras: San Siro thành mô hình thí điểm cho Ý
ScoresWay.netCuộc cách mạng San Siro đang biến Inter và Milan thành hình mẫu an ninh sân vận động, thí điểm mô hình dọn sạch 'ultras' cực đoan, hướng đến làm gương cho toàn nước Ý.

San Siro đang chứng kiến một cuộc “thanh lọc” hiếm có trong lịch sử bóng đá Ý. Inter và Milan, hai đội bóng lớn cùng chia sẻ sân vận động huyền thoại này, đã quyết định bắt tay thực hiện một chiến dịch mà giới chuyên môn coi là tham vọng và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay: làm sạch sân khỏi những phần tử cực đoan, tội phạm có tổ chức và những “vùng xám” mà pháp luật không chạm tới suốt nhiều thập kỷ.
Sáng kiến này không phải tự phát. Theo tờ Gazzetta của Ý, nó được lên kế hoạch bài bản, phối hợp chặt chẽ với Procura Milano và lực lượng cảnh sát. Cụ thể, hàng trăm cổ động viên đã bị mất quyền gia hạn vé mùa – một động thái nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn: không còn đặc quyền cho những kẻ từng “đứng trên luật”.
Không ít người tỏ ra phẫn nộ, dọa kiện vì cho rằng danh dự bị ảnh hưởng, song thực tế điều khoản xét duyệt vé mùa đã được CLB quy định rõ từ đầu. Quan trọng hơn, danh sách “đen” này không hề tùy tiện mà lấy từ hồ sơ vụ án “Doppia Curva” – chuyên án phanh phui hoạt động phạm pháp của một số thủ lĩnh ultras Inter, á quân Serie A và Milan, thậm chí có bản án đã tuyên lên đến 10 năm tù. Thậm chí, Beretta – cựu thủ lĩnh nhóm ultras Inter – còn hợp tác cung cấp thêm nhiều tên tuổi “nổi bật”.
Điểm đặc biệt: lần đầu tiên Inter, Milan và cả Serie A được công nhận là “bên bị hại” bởi hành vi sai phạm của chính cổ động viên mình. Nhờ vậy, họ đủ tư cách yêu cầu bồi thường thiệt hại và buộc các nhóm quá khích phải chịu trách nhiệm dân sự. Đây không chỉ là động thái cứng rắn về pháp lý mà còn là thông điệp: các CLB đã thực sự “tách mình” khỏi những phần tử làm xấu hình ảnh bóng đá.

Nhưng “cuộc cách mạng San Siro” không dừng lại ở phạm vi một sân vận động. Dưới định hướng của cơ quan công tố và hiệp hội chống mafia quốc gia, những quy chuẩn an ninh mới – như cấm chuyển nhượng vé, ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt – sẽ trở thành mô hình thí điểm cho cả nước Ý. Nếu thành công, nó sẽ là tiền đề quan trọng để làm sạch các sân bóng khác, nơi mà quá khứ “vùng cấm” dành cho ultras từng tồn tại như luật bất thành văn.
Tất nhiên, để thay đổi thật sự, không chỉ có quy định cứng nhắc. Một thay đổi về văn hóa ứng xử là điều bắt buộc. Các cầu thủ phải dám từ chối những màn “xin lỗi dưới Curva” nhún nhường, các BLV cần thôi hợp thức hóa sự vắng mặt của nhóm quá khích như một “lý do thất bại” trên sân.
Những nhượng bộ vô hình này chính là mảnh đất màu mỡ để các nhóm quá khích tồn tại, thao túng không khí bóng đá suốt nhiều năm. Giờ là lúc Inter, Milan và toàn bộ hệ thống Serie A phải chọn sự cứng rắn: hoặc bây giờ, hoặc sẽ không bao giờ nữa.