Vì sao nhiều cầu thủ bóng đá rơi vào cảnh phá sản?
ScoresWay.netNhiều ngôi sao bóng đá từng thi đấu đỉnh cao như Dean Windass, David James hay Ronaldinho đều rơi vào cảnh phá sản sau giải nghệ. Đằng sau sự sụp đổ tài chính là những khoản đầu tư sai lầm, chi tiêu vượt kiểm soát và khoảng trống lớn trong giáo dục tài chính mà bóng đá hiện đại chưa thể lấp đầy.

Dean Windass không cần ai báo trước. Những chiếc phong bì nâu rơi qua khe cửa đã là lời cảnh báo rõ ràng nhất. Mỗi lần tiếng giấy chạm sàn vang lên, ông lại cảm thấy bất an, lo sợ điều gì đó không lành đang tiếp diễn. Đó là những thông báo từ cơ quan thuế, những đòi hỏi về khoản nợ ngày một phình to, kéo theo cả một giai đoạn khủng hoảng mà ông không thể lường trước.
Dean Windass từng là một tiền đạo hiệu quả, không quá hào nhoáng nhưng luôn cháy hết mình trong suốt 18 năm chơi bóng chuyên nghiệp. Sự nghiệp của ông trải dài qua 4 hạng đấu của nước Anh, bao gồm cả Ngoại hạng Anh cùng các đội Bradford City, Middlesbrough, Hull City và trước đó là giải vô địch quốc gia Scotland trong màu áo Aberdeen.
Dù không được xem là một ngôi sao hàng đầu, Windass vẫn được trả công hậu hĩnh trong giai đoạn bóng đá Anh đang phát triển mạnh mẽ cả về chuyên môn lẫn tài chính. Thế nhưng, chỉ 7 năm sau khi tuyên bố giải nghệ vào năm 2009, ông đã gần như trắng tay. Tài khoản của ông bị rút cạn bởi hóa đơn thuế lên tới 164.000 bảng, hậu quả từ khoản đầu tư thất bại vào lĩnh vực điện ảnh, cộng thêm một vụ ly hôn gây tổn thất lớn về tài sản.

Cuộc sống trở nên bấp bênh đến mức một lần ông bước vào tiệm pizza và bắt gặp ánh mắt của một người lạ, người đó thì thầm với bạn mình rằng “Đó là Dean Windass, ông ấy phá sản rồi.” Cảm giác xấu hổ lúc ấy, theo lời kể của Windass, là không thể diễn tả.
Không chỉ là mất tiền, mà là mất danh dự, mất điểm tựa. Việc rời bỏ sân cỏ vốn đã là một cú sốc lớn. Cộng thêm gánh nặng tài chính, áp lực trở nên không thể chịu đựng. Windass thừa nhận, sự căng thẳng từng khiến ông cảm thấy như mình đang chết dần.
Nhưng ông không đơn độc.
Nhiều cựu cầu thủ từng khoác áo đội tuyển Anh như David James, Wes Brown và Lee Hendrie cũng từng bị tuyên bố phá sản. Cơ quan Thuế và Hải quan Vương quốc Anh (HMRC) đã đệ đơn kiện Emile Heskey, cựu tiền đạo của Liverpool và đội tuyển Anh, do nợ thuế lên tới 1,6 triệu bảng vào năm ngoái.
Vào tháng trước, Trevor Sinclair cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi không thể thanh toán khoản thuế 36.000 bảng. Ngay sau đó, đến lượt Shaun Wright-Phillips, một cựu tuyển thủ khác, bị khởi kiện ra Tòa án Tối cao London với lý do tương tự. Đại diện của Wright-Phillips cho biết thân chủ của mình hoàn toàn không biết về vụ việc và sẽ “kiên quyết phản đối” các cáo buộc.

Đó chỉ là những trường hợp gần đây nhất. Trong quá khứ, không thiếu những cái tên từng thi đấu đỉnh cao như Jermaine Pennant, Celestine Babayaro, Chris Sutton, Asamoah Gyan và Royston Drenthe, tất cả đều có sự nghiệp lẫy lừng trước khi rơi vào khủng hoảng tài chính sau giải nghệ. Ngay cả những biểu tượng lớn của bóng đá thế giới như Diego Maradona và Ronaldinho cũng không tránh khỏi viễn cảnh tương tự khi ánh đèn sân khấu tắt.
Mỗi người đều có câu chuyện riêng, nhưng các nguyên nhân phổ biến thường lặp lại. Đó là các khoản đầu tư sai lầm, các cuộc ly hôn hao tổn tài sản hoặc lối sống xa hoa không kiểm soát. Vậy tại sao một ngành công nghiệp nơi cầu thủ có thể kiếm hàng triệu chỉ trong vài tháng lại sản sinh ra nhiều câu chuyện phá sản đến vậy? Và bóng đá có thể làm gì để ngăn điều đó xảy ra thường xuyên đến thế?
Câu trả lời không chỉ nằm ở những con số, mà còn ở sự thiếu hụt một yếu tố quan trọng: giáo dục tài chính.

Đội hình U17 Anh từng giành chức vô địch World Cup năm 2017 tại Ấn Độ vẫn là minh chứng tiêu biểu cho thế hệ vàng của bóng đá xứ sương mù. Với thủ lĩnh tấn công Phil Foden ghi hai bàn trong trận chung kết thắng Tây Ban Nha 5-2, đội hình ấy còn có Marc Guehi, Jadon Sancho, Emile Smith Rowe, Conor Gallagher, Angel Gomes, Morgan Gibbs-White và Callum Hudson-Odoi, những cái tên đã và đang tỏa sáng ở cấp độ cao nhất.
Tuy nhiên, không ai nhớ nhiều đến Curtis Anderson, thủ môn chính trong 6 trên 7 trận đấu tại giải năm đó. Anderson trưởng thành tại học viện Manchester City, nhưng đến năm 2022, anh giải nghệ ở tuổi 22 sau khi kết thúc hợp đồng 2 năm với Wycombe Wanderers mà không được ra sân một lần nào cho đội một. Anh từng được cho mượn tới các đội bóng bán chuyên nhưng không tìm thấy con đường phát triển.
Không còn hứng thú với bóng đá, Anderson chuyển hướng sang học tài chính. Anh hiện là trưởng bộ phận tư vấn tài chính thể thao tại Markland Hill Wealth. Anderson chia sẻ rằng các CLB gần như không trang bị cho cầu thủ trẻ kiến thức về tài chính. Anh nhớ rằng khi 16, 17 tuổi, họ được khuyến cáo về các nguy cơ từ rượu, cờ bạc hay các cám dỗ khác. Nhưng không ai nhắc đến việc phải quản lý tiền bạc ra sao.
Điều duy nhất anh từng nghe là từ HLV thủ môn, một người như cha, từng nhắc khẽ rằng nên để dành một phần thu nhập. Không có sự giáo dục hệ thống, không có lớp học, không có cố vấn chuyên trách. Trong công việc hiện tại, Anderson đã tới làm việc tại nhiều CLB tại Ngoại Hạng Anh và các giải hạng dưới.
Anderson thường thấy các cầu thủ, dù có mức lương khổng lồ, nhưng lại thiếu định hướng tài chính. Họ tiêu tiền vào xe sang, nhà lớn, đồng hồ đắt tiền mà không có kế hoạch lâu dài. Theo Anderson, những người tiếp nhận tư vấn thường là các cầu thủ đã 28, 29 tuổi và bắt đầu nghĩ đến tương lai. Nhưng nếu họ khởi đầu sớm hơn từ năm 21 tuổi, mọi thứ đã khác rất nhiều.
Một trường hợp tương tự là Soufyan Daafi. Hai thập kỷ trước, anh là cầu thủ trẻ của Ajax và từng sát cánh cùng Kenneth Vermeer, người sau này trở thành thủ môn đội tuyển Hà Lan. Hiện tại, Daafi đồng sáng lập công ty Sport Legacy, quản lý tài chính cho hơn 100 vận động viên trên toàn thế giới.

Daafi nhấn mạnh rằng giáo dục là chìa khóa đầu tiên. Khi lương không còn, cầu thủ vẫn phải trả nợ, nuôi gia đình và duy trì mức sống. Nếu không có kế hoạch, khoảng trống tài chính sẽ xuất hiện ngay lập tức. Anh cho biết từng bị người trong giới cảnh báo rằng đừng làm việc với cầu thủ vì họ “ngu ngốc và tiêu sạch tiền”, nhưng chính vì lý do đó, anh quyết định làm điều ngược lại.
Cả Anderson và Daafi đều không phản đối chuyện cầu thủ tiêu tiền để tận hưởng cuộc sống. Họ hiểu rằng việc sở hữu xe sang, mua sắm đồ hiệu hay đi nghỉ dưỡng xa hoa là điều không tránh khỏi khi thu nhập lên tới hàng trăm nghìn bảng mỗi tuần. Tuy nhiên, họ đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng thói quen tài chính lành mạnh.

Ryan Babel, cựu tiền vệ Liverpool và hiện là đại sứ của Sport Legacy tại Dubai, thừa nhận mình từng tiêu pha thoải mái khi còn chơi bóng. Anh kể rằng từng mua Bentley khi mới 21 tuổi và Rolls-Royce ở tuổi 25. Nhưng thứ anh tiêu nhiều nhất không phải xe mà là cuộc sống xa hoa: thuê biệt thự, du lịch, tiệc tùng và bao trọn chi phí cho bạn bè. Sau cùng, anh nhận ra rằng không thể mãi sống như thể “ngày nào cũng là Giáng sinh”.
Babel cảm ơn cha mẹ vì đã dạy anh giá trị đồng tiền. Theo anh, bóng đá không hề dạy cầu thủ cách quản lý tài chính. Do vào nghề từ rất sớm, phần lớn cầu thủ chưa hoàn thành chương trình học phổ thông, càng không có kiến thức nền về kinh tế. Kết quả là họ thường trở thành cây ATM cho người khác. Khi tiền cạn, những người từng bám theo cũng dần biến mất.
Không có thống kê chính thức nào về tỷ lệ phá sản của cựu cầu thủ. Một nghiên cứu từ tổ chức từ thiện XPro năm 2013 từng cho rằng 60% cầu thủ lâm vào cảnh phá sản trong vòng 5 năm sau giải nghệ, dù con số này bị nhiều chuyên gia phản đối. Cựu Giám đốc Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA), ông Gordon Taylor, cho rằng con số thực tế dao động từ 10 đến 20 phần trăm.
Dù không có dữ liệu chính xác, các trường hợp phá sản nổi bật vẫn khiến người hâm mộ sốc, bởi lẽ số tiền các cầu thủ kiếm được tưởng chừng như có thể đảm bảo cho cuộc sống cả đời.


Ông cho biết trong suốt sự nghiệp, mình luôn đóng thuế đúng và không hề trốn tránh. Nhưng ông đã tham gia sai mô hình đầu tư. Đây không phải là sự gian dối, mà là sự thiếu hiểu biết.
Vấn đề thuế là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến phá sản. Wes Brown cũng không ngoại lệ, cựu hậu vệ Manchester United và đội tuyển Anh, cũng bị HMRC khởi kiện năm 2023. Ông từng thừa nhận không có người tư vấn đúng đắn bên cạnh.
Curtis Anderson bổ sung rằng nhiều cầu thủ không hiểu cách các khoản thuế được tính, như phí đại diện, bảo hiểm y tế hay các phụ cấp khác. Nếu kế toán không xử lý đúng và cơ quan thuế phát hiện sai lệch sau vài năm, cầu thủ sẽ bị truy thu kèm lãi và phạt. Khi không đủ tiền để nộp, hậu quả là phá sản.
Ngoài vấn đề tài chính, một yếu tố khác thường xuyên góp phần là ly hôn. Đây là thời điểm mà tài sản bị chia đôi, trong khi thu nhập từ bóng đá đã dừng lại hoặc giảm mạnh. Windass cũng trải qua điều này. Cuộc ly hôn khiến ông tổn thất lớn. Theo ông, nếu không có khoản đầu tư sai và vụ ly hôn đó, ông đã không rơi vào cảnh trắng tay.
Tất cả những câu chuyện trên đều khác nhau, nhưng đều có mẫu số chung: lối sống vượt quá khả năng, thiếu giáo dục tài chính, thiếu người hướng dẫn, và một môi trường dễ khiến cầu thủ mất phương hướng.
Curtis Anderson kết luận rằng giải pháp nằm ở giáo dục và sự hiện diện của những người có trách nhiệm. Không cần cầu thủ phải thành chuyên gia tài chính, nhưng họ cần biết rằng quản lý tài sản là điều cần thiết. Nhận thức được điều đó sớm bao nhiêu, khả năng giữ được cuộc sống ổn định sau giải nghệ sẽ cao bấy nhiêu.
Theo "The Athletic"