Vì sao Man United quyết tâm chia tay Marcus Rashford?
ScoresWay.netMarcus Rashford từng được xem là “viên ngọc quý” của học viện Manchester United – một cầu thủ bản địa mang trong mình khát vọng và tinh thần Quỷ đỏ.

Nhưng mùa hè 2025, viễn cảnh chia tay Rashford không còn là tin đồn mà đã trở thành ưu tiên trong danh sách việc cần làm của ban lãnh đạo Old Trafford. Vậy đâu là những lý do thực sự đằng sau quyết tâm đẩy đi tiền đạo từng được kỳ vọng là biểu tượng mới của sân Old Trafford?
Trước tiên, không thể phủ nhận yếu tố chuyên môn. Rashford từng bùng nổ với những mùa giải ghi trên 20 bàn thắng, nhưng phong độ thất thường và vấn đề chấn thương đã bào mòn niềm tin của ban huấn luyện. Mùa giải 2024/25, anh được Aston Villa mượn về trong nửa sau mùa bóng, ghi bốn bàn và sáu kiến tạo sau 17 trận – những con số khá ổn nhưng chưa đủ để đảm bảo vị trí ở đội bóng giàu tham vọng như Man United, đặc biệt khi HLV Ruben Amorim đang xây dựng lại hàng công với triết lý kỷ luật và sự nhiệt huyết không khoan nhượng.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng ở chuyên môn. Theo phân tích từ chuyên gia tài chính Stefan Borson, Rashford đang ngốn của Man United một khoản tiền khổng lồ lên tới 325.000 bảng mỗi tuần, chưa kể các chi phí phụ khác như bảo hiểm, thuế thu nhập và phúc lợi.
Chỉ tính riêng tháng 7/2025, khi Rashford vẫn còn ở Carrington tập luyện mà chưa chắc chắn điểm đến mới, anh sẽ tiêu tốn của CLB hơn 1,75 triệu bảng. Con số ấy khiến Rashford trở thành “liability” – gánh nặng tài chính đúng nghĩa, nhất là khi Ineos và Sir Jim Ratcliffe đang phải siết chặt chi tiêu để tuân thủ quy định tài chính trong bối cảnh Quỷ đỏ không còn suất đá cúp châu Âu mùa tới.
Không chỉ là gánh lương “khổng lồ”, vấn đề còn nằm ở sự mất cân bằng nội bộ. Trong khi các tân binh như Matheus Cunha hay Diego Leon sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn để khẳng định mình, Rashford với đãi ngộ cũ lên tới 325.000 bảng/tuần lại là hình ảnh đối lập, gây ra nguy cơ xáo trộn quỹ lương và tinh thần phòng thay đồ.

Ban lãnh đạo hiểu rằng giữ anh lại lúc này vừa không mang lại hiệu quả chuyên môn tối ưu, vừa không phù hợp với hướng đi mới mà Ruben Amorim muốn xây dựng: một tập thể đoàn kết, trẻ trung, sẵn sàng hy sinh vì lối chơi chung thay vì vì đặc quyền cá nhân.
Chính vì vậy, bất chấp việc Rashford vẫn còn hợp đồng tới 2028, Man United đang chấp nhận bán anh với mức giá thấp hơn mong đợi. Các đề nghị chuyển nhượng được dự báo sẽ không cao do những đội bóng tiềm năng hiểu rõ Man United không còn thế mạnh đàm phán, nhất là khi các CLB đều e ngại khoản lương khủng mà Rashford yêu cầu.
Đẩy Rashford ra đi – dù là quyết định khó khăn về mặt tình cảm – lại là lựa chọn cần thiết nếu Quỷ đỏ muốn thanh lọc triệt để, tạo không gian lương để tái thiết đội hình, đồng thời giải phóng những ràng buộc về tài chính mà triều đại Ineos không còn đủ sức “gồng gánh”.